Thông báo giờ ra về Nakajime

/
22-12-2021
/
1,700 views

Có lần tôi tham dự đi tiệc cưới có mời hội người Nhật. Hội này đến trước giờ đón khách 30 phút, kết quả là họ đã phải đợi một tiếng rưỡi sau thì tiệc mới bắt đầu.

Có lần tôi tham dự đi tiệc cưới có mời người Nhật. Cười ra nước mắt là hội người Nhật này đã đến trước giờ đón khách 30 phút, kết quả là họ đã phải ngồi tán gẫu uống nước ngọt một tiếng rưỡi sau thì tiệc mới được bắt đầu. Và dĩ nhiên họ cũng là người cuối cùng rời khỏi buổi tiệc.

Thói quen đúng giờ của người Nhật thì không còn gì phải bàn cãi (tham khảo Bài 3 -  Nguyên tắc 5 phút). Có một góc nhìn khác biệt giữa người Việt và người Nhật về vấn đề đúng giờ. Có phải chúng ta thường thoải mái bắt đầu sự kiện trễ vì có nhiều người đến trễ không? Ví dụ dễ thấy nhất là tiệc cưới, đặc biệt là nếu vào mùa mưa mọi người đến trễ vì gặp phải cơn mưa trước giờ diễn ra buổi tiệc thì khỏi phải nói, chắc chắn người đến sớm hoặc đúng giờ buộc phải đợi người đến trễ. Người Việt chúng ta thường dễ tính nên không nề hà việc phải đợi thêm năm mười phút. Nhưng người Nhật cho rằng việc người tuân thủ tốt, đến đúng giờ phải đợi người đến trễ là một sự bất công cho người làm tốt và càng đợi thì người đến trễ tiếp tục không đến đúng giờ trong những dịp khác trong tương lai vì họ không bị chế tài. Vì vậy với các sự kiện của người Nhật, nếu có đợi người đến trễ thì tối đa cũng chỉ là 5 phút, 10 phút sẽ là quá nhiều. Thậm chí người dẫn chương trình là phải cúi rạp mình kính cẩn xin được phép lấy đi 5~10 phút quý báu để đợi người đến trễ.

TỔ CHỨC YEAR END PARTY BUỔI TIỆC CUỐI NĂM THEO VĂN HÓA NHẬT BẢN

Người Nhật giữ thói quen rất tốt và đầy tính kỹ luật

Sự tinh tế của người Nhật còn thể hiện vào thời điểm kết thúc sự kiện. Thường thì sẽ kết thúc sự kiện đúng giờ, thậm chí kết thúc sớm trước 5 phút cũng được xem là một sự sắp xếp có cân nhắc cho những người tham dự có lịch làm việc sau đó. Với những sự kiện mang tính chất giao lưu như tiệc tùng vốn không đòi hỏi thời điểm kết thúc một cách ngặt nghèo, người Nhật có một khái niệm thú vị đó gọi là “kết thúc giữa cuộc vui” tiếng Nhật là Nakajime ghép giữa chữ Naka mang nghĩa giữa chừng và Jime mang nghĩa kết thúc. Áp dụng trong buổi tiệc, MC sẽ mời 1 người – thường là người có vai vế thứ nhì trong buổi giao lưu đó (người có vai vế hàng đầu là người đã phát biểu khai mạc) phát biểu kết thúc giữa cuộc vui. Sau đó thì ai muốn tiếp tục vui thì ở lại vui tiếp (thường là đổi địa điểm sang quán khác) ai có việc phải về thì đứng dậy ra về. Nghe có vẻ câu nệ hình thức nhưng thật ra là rất tinh tế. Giả sử bạn có việc muốn rời đi sớm trong khi cả hội đang rôm rả vui vẻ bạn sẽ làm thế nào cho phải phép mà không ảnh hưởng những người còn lại?

  • Xin phép MC cho nói vài lời với toàn thể rồi ra về => tương đối áp lực nhất là khi có nhiều tai to mặt lớn tham dự buổi tiệc
  • Lân la đến bên cạnh vài vị chức sắc chào ra về => khá khó khăn vì họ luôn bị vây quanh bởi mọi người.
  • Lẳng lặng ra về => thật là vô phép theo quan điểm của người Nhật

Chưa kể đến tình huống bạn là ngòi nổ khiến một loạt người xin ra về sớm cùng bạn, vô tình bạn trở thành kẻ phá đám cuộc vui...

Tập tục nakajime - kết thúc giữa cuộc vui giúp cho mọi người thoải mái ra về hoặc ở lại chơi tiếp tùy nhu cầu mà không làm bất cứ ai khó xử. Ngẫm nghĩ lại thì Nhật Bản là một xã hội giai cấp nên việc hành xử để không làm phật ý người trên là điều rất quan trọng. Vì vậy xin ra về trong khi người trên đang vui là điều cấm kỵ. Việt Nam ta tuy cũng kính trọng người trên nhưng rõ ràng là không đến mức độ như Nhật Bản. Chúng ta có thể lẳng lặng ra về trước hoặc nói vài lời với vài người xung quanh rồi về trước mà không lo bị sếp trên ghim hàng vì thiếu tinh thần đồng đội. Còn giả sử bạn gặp phải người sếp khó tính giống người Nhật, hãy nói MC công ty bạn học cách Nakajime của dân tộc tinh tế này.