Top 5 chế độ đãi ngộ cho nhân viên văn phòng chỉ có ở Nhật Bản

/
08-03-2022
/
3,516 views

Là một đất nước có rất nhiều sự khác biệt và điều này cũng được thể hiện trong văn hóa doanh nghiệp Nhật. Sau đây là top 5 chế độ đãi ngộ cho nhân viên văn phòng chỉ có ở Nhật Bản.

 

1. Chế độ tuyển dụng trọn đời

Manners and Culture: 10 Things You Should Know About Working in Japan -  Read This Before Joining a Japanese Company! - tsunagu Local

Xuất phát từ chính mong muốn ổn định nhân sự của doanh nghiệp và tư tưởng không tuyển người của nhau nên chế độ “tuyển dụng trọn đời” ngày càng được phổ biến rộng rãi ở Nhật Bản.

Các công ty Nhật Bản sẽ thuê người lao động làm việc suốt đời, người lao động vẫn ký hợp đồng nhưng sẽ làm cho tới khi nghỉ hưu. Theo đó, dù có bất mãn với chính sách hoặc chế độ của công ty, người lao động cũng không thể tùy ý nghỉ việc và ngược lại phía công ty cũng không thể tùy tiện cho nhân viên nghỉ việc.

Chế độ này không chỉ bảo đảm cho người lao động về công việc, được tăng lương theo thâm niên, mà còn được hưởng chế độ đào tạo tốt nhất. Về phía công ty thì chế độ này đảm bảo nguồn nhân lực cho công ty dù có rơi vào tình trạng khủng hoảng, không lo lắng về việc chi phí đào tạo nhân sự xong thì sẽ nhảy việc.

Tuy nhiên, chế độ này cũng mang đến cho công ty sự bất lợi về chi phí vì chế độ thâm niên tăng lương cho nhân viên. Và giữa nhân viên với nhau dễ xảy ra mâu thuẫn giữa các tầng lớp nhân viên về năng lực và mức lương vì tầng lớp lớn tuổi không có năng lực bằng lớp trẻ nhưng chế độ lương thưởng lại cao hơn nhờ vào thâm niên.

Dù đã có từ lâu và hiện tại vẫn được phổ biến, tuy nhiên những thay đổi và biến động trong đời sống kinh tế xã hội Nhật Bản hiện nay liệu chế độ này có còn tiếp tục được trong tương lai?
 

2. Được chú trọng đào tạo để trở thành người giỏi nhất

“Thói quen giáo dục” là một truyền thống vẫn còn tồn tại bền vững ở các công ty Nhật. Đó cũng là một trong những yếu tố tạo nên một xã hội Nhật Bản nề nếp, quy củ ngay cả khi đứng trước thiên tai hay thảm họa – khiến cả thế giới ngã mũ kính phục.

Công ty chính là xã hội thu nhỏ, nên không khó để hiểu vì sao các công ty Nhật rất chú trọng và tâm huyết đào tạo nhân viên. Với quan niệm rằng nguồn nhân lực tốt chính là yếu tố cốt lõi giúp công ty đứng vững và phát triển, cộng thêm chế độ “tuyển dụng trọn đời” đặc trưng nên họ sẽ đào tạo tất cả những gì cần thiết để nhân viên của họ trở nên xuất sắc nhất mà không sợ sau khi đào tạo xong nhân viên sẽ chuyển việc.

Thêm vào đó, Nhật Bản rất xem trọng khách hàng, các bạn hẳn không còn xa lạ với cụm từ “omotenashi”, có nghĩa là luôn đặt mình vào vị trí của khách hàng để thấu hiểu và cảm nhận. Vậy nên đào tạo nhân viên xuất sắc để mang đến sự hài lòng, chất lượng dịch vụ tốt nhất cho khách hàng cũng chính là phương châm của đa số các công ty Nhật.
 

3. Cho phép work from home toàn thời gian

Trước đây, chúng ta vẫn quen thuộc với hình ảnh của giới chức văn phòng đều đặn hàng ngày hối hả chen chân trên các toa tàu vào giờ cao điểm hay giờ tan tầm.

Nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi cơn đại dịch viêm phổi ập đến đã làm đảo lộn tất cả mọi thứ: người dân hạn chế ra ngoài, không tiếp xúc gần, giao thương hạn chế thậm chí có lúc dừng hẳn, chi phí phòng dịch khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình đó, nhiều công ty buộc phải thay đổi để thích nghi và một trong những thay đổi đó là áp dụng chế độ làm việc từ xa, chấp nhận cho nhân viên không cần đến văn phòng. Chế độ này giúp cắt giảm một khoản chi phí đáng kể cho thuê văn phòng, chi phí điện nước, internet…..mà vẫn đảm bảo được hiệu suất công việc. Nhân viên cũng cảm thấy thoải mái vì được tự do chọn lựa nơi làm việc dù ở nhà hay tại quán coffee, miễn là vẫn đảm bảo được công việc, không còn phải đi sớm, về khuya, lo sợ trễ tàu hay chập chờn giấc ngủ trên những chuyến tàu muộn.

Nhiều ý kiến ủng hộ và cho rằng vẫn nên tiếp tục chế độ làm việc từ xa này ngay cả khi kết thúc đại dịch. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin trong thời đại này để phục vụ công việc, cuộc họp trực tuyến hạn chế đến mức thấp nhất các rào cản và bất lợi khi con người ngày càng ít gặp mặt, chỉ giao tiếp thông qua màn hình điện thoại hay máy tính.
 

4. Nhân viên có thể trở thành đối tác của công ty

Nghe có vẻ lạ, nhưng điều đó đã đang xảy ra và dần trở nên phổ biến tại đất nước có nền kinh tế phát triển thứ 3 thế giới này. Hiện nay, ở Nhật Bản một số công ty (như Dentsu, Tanita...) đã bắt đầu áp dụng chế độ chuyển nhân viên từ Hợp đồng lao động sang Hợp đồng hợp tác. Vì sao lại có sự thay đổi này?

Xuất phát từ tình trạng già hóa dân số đáng báo động và trở thành vấn đề được chính phủ Nhật bản dành nhiều sự quan tâm. Số lượng người trong độ tuổi lao động giảm đáng kể gây nên tình trạng thiếu hụt lao động. Bên cạnh đó, số lượng người già tăng tạo áp lực lên hệ thống phúc lợi xã hội như y tế, bảo hiểm. Chính phủ Nhật Bản tăng thuế, đầu tư nhiều hơn cho các công trình phúc lợi xã hội như y tế, lương hưu gây nên áp lực và sự phản đối từ giới trẻ, những người trong độ tuổi lao động đang phải chịu đóng thuế vào  ngân sách nhà nước.

Trước tình trạng này, người lao động có nhu cầu nhận nhiều việc cùng lúc để tăng thêm nguồn thu nhập, nhiều người đã về hưu cũng mong muốn được tiếp tục làm việc. Về phía công ty vừa muốn tuyển nhân viên vừa muốn cắt giảm chi phí nhân sự và các khoản bảo hiểm đi kèm. Vì vậy, hợp đồng hợp tác ra đời là giải pháp tốt nhất để giải quyết mọi vấn đề của cả công ty lẫn nhân viên.
 

5. Ở Nhật Bản, nam giới cũng được nghỉ thai sản?

Do áp lực cuộc sống và công việc nên ngày nay nhiều phụ nữ Nhật Bản kết hôn trễ hoặc thậm chí không muốn kết hôn để tập trung cho công việc và sự nghiệp. Ngoài ra, họ cũng sợ phải trải qua áp lực sau sinh, phải chăm con một mình nên ngại sinh con. Đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến vấn đề già hóa dân số đang rất báo động ở Nhật.

Nhiều giải pháp, chính sách liên tục được thay đổi để giải quyết vấn đề này. Đãi ngộ nhân sự và chế độ nghỉ thai sản cũng được thay đổi theo hướng khuyến khích tăng tỉ lệ sinh hiện đang rất thấp ở Nhật.

Nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản không chỉ đến từ việc trợ cấp sinh con mà còn thay đổi quy định trong chế độ nghỉ thai sản ở Nhật. Theo đó, người chồng cũng được hưởng chế độ nghỉ để chăm con khi con của họ từ 1 đến tối đa là 2 tuổi. Nhờ vậy, nam giới có thể hỗ trợ và san sẻ bớt gánh nặng, trách nhiệm chăm sóc con cái với phụ nữ. Không dừng lại ở đó, quy định này còn giúp phụ nữ cảm thấy an tâm và dần dần xóa bỏ tâm lý ngại sinh con.

Hy vọng với những nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ và người dân Nhật Bản, vấn đề già hóa dân số ở đất nước này có thể được giải quyết ở tương lai không xa.