Nhật Bản không chỉ là một cường quốc về kinh tế - chính trị mà còn nổi tiếng về truyền thống lịch sử và nền văn hóa lâu đời. Đó là sự nỗ lực bền bỉ của cả một dân tộc, mà trong đó phải kể đến những tấm gương phụ nữ Nhật Bản tiêu biểu. Tuy là nữ giới, nhưng sự nỗ lực, đóng góp của họ không thua kém bất kỳ người đàn ông nào.
Top 10 phụ nữ Nhật Bản có tầm ảnh hưởng lớn và truyền cảm hứng nhất mọi thời đại
1. Chiaki Mukai – Người phụ nữ Nhật Bản đầu tiên bay vào vũ trụ
Nếu muốn có ai đó để truyền cảm hứng cho bạn theo đuổi đam mê trong cuộc sống thì có lẽ người đầu tiên nhắc đến là Chiaki Mukai - một bác sĩ phẫu thuật, nữ phi hành gia đầu tiên của Nhật, và cũng là một nhà khoa học tài ba.
Sinh năm 1952 ở quận Gunma, Mukai nhận bằng thạc sĩ Y khoa và chứng chỉ hành nghề năm 1977, tiến sĩ Sinh lý học năm 1988 của Đại học Keio. Bà từng là trợ lý tại khoa Phẫu thuật Tim mạch của Đại học Keio. Sau đó, Mukai còn làm việc tại nhiều bệnh viện khác nhau như Shizuoka, Kanagawa,...
Năm 1985, bà được chọn là phi hành gia của cơ quan vũ trụ quốc gia Nhật Bản. Năm 1994, Mukai gia nhập đội tàu vũ trụ Space Shuttle Columbia và trở thành nữ phi hành gia Nhật đầu tiên, bà có 23 ngày bay trong không gian. Trở về từ vũ trụ, bà Mukai vẫn tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp khám phá không gian ở nhiều vai trò khác nhau như: Phó giáo sư khoa học cho sứ mệnh tàu con thoi STS-107 của NASA, Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Vũ trụ Quốc tế (International Space University – ISU), Quản lý sức khoẻ trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (International Space Station).
Trước những cống hiến to lớn cho sự phát triển lĩnh vực nghiên cứu không gian của Nhật Bản, bà Mukai đã được trao tặng nhiều bằng khen cao quý như “Giấy khen đặc biệt” của Thủ tướng Chính phủ về những đóng góp cho bình đẳng giới”, “Giải cống hiến nổi bật” của Cơ quan Phát triển Không Gian Quốc Gia Nhật Bản và Hiệp hội Các nhà khoa học nữ của Nhật Bản... Vào năm 1995, bà còn được trao tặng giải thưởng “Công nhận đặc biệt” của Quốc hội Hoa Kỳ. Hiện nay, bà đã 70 tuổi và đang đảm nhiệm chức vụ Phó hiệu trưởng Đại học Khoa học Tokyo, tiếp tục cống hiến không ngừng nghỉ cho khoa học.
2. Yayoi Kusama – Họa sĩ điên hay “nữ hoàng chấm bi” của Nhật Bản
Yayoi Kusama sinh ngày 22/03/1929 tại Matsumoto, tỉnh Nagano trong một gia đình buôn bán sở hữu một vườn ươm và nông trại hạt giống. Tuổi thơ của bà là chuỗi ngày bị mẹ hành hạ thể xác, cấm đoán vẽ tranh và một người cha không chung thủy với nhiều tình nhân bên ngoài. Kusama thường bị mẹ bắt đi theo dõi cha mình, chính điều đó đã gieo rắc sự hoài nghi và phản bội trong tình yêu cùng nỗi ghê tởm tình dục như bà đã từng chia sẻ: “Tôi không thích tình dục. Nỗi ám ảnh và sợ hãi về tình dục vẫn luôn đeo bám tôi”.
Khi lên mười, những ảo giác sống động bắt đầu xuất hiện trong tâm trí Kusama. Đây cũng là thời điểm bà vẽ nên tác phẩm chấm bi đầu tiên, khắc họa một phụ nữ Nhật Bản trong trang phục kimono, người được cho là mẹ của bà, bị che phủ và làm mờ đi bởi các chấm tròn. Tuy nhiên, lúc này bà phải vẽ thật nhanh vì mẹ của bà sẽ xuất hiện bất cứ lúc nào, giật lấy và phá hủy các bức vẽ của bà.
Yayoi Kusama là một nghệ sĩ đa tài ở nhiều lĩnh vực khác nhau từ vẽ tranh, cắt dán, điêu khắc, biểu diễn đến viết lách. Bà theo đuổi trường phái nghệ thuật vị niệm, nơi ý tưởng hay khái niệm ẩn giấu trong tác phẩm được xem trọng. Thông qua các tác phẩm của mình, Yayoi Kusama đã đóng góp tích cực cho nữ quyền, phong cách nghệ thuật tối giản, siêu thực và chủ nghĩa trừu tượng. Một số tác phẩm điêu khắc nổi tiếng của bà: “Pumpkin”, “The Visionary Flowers”, “Tsumari in Bloom”,...
Tác phẩm Pumpkin - Yayoi Kusama (2003)
Những năm cuối đời, vì tiền sử bệnh rối loạn thần kinh. Bà đã tự nguyện đến điều trị trong một bệnh viện chuyên khoa thần kinh tại Nhật.
3. Ichiyo Higuchi – Gương mặt trên tờ 5000 yen của Nhật
Ichiyo Higuchi tên thật là Natsuko, nàng lấy bút danh là Ichiyo từ năm 1891, Ichiyo (nhất diệp) có nghĩa là "một lá" ám chỉ cọng lau đơn độc mà Bồ đề Đạt Ma dùng vượt sông Dương Tử. Với bút danh đó, Ichiyo khao khát một cuộc vượt sóng, đến được “bờ bên kia” nào đó, muốn tìm kiếm lại chính bản thân mình ngay trong lúc phải ra sức kiếm tiền.
Nàng viết cả thơ và truyện với một lối văn cổ điển, không có dấu vết gì ảnh hưởng Tây phương. Nhưng các nhân vật nữ của nàng đã bắt đầu rất mới trong ý thức và cả trong tâm lý. Trong suốt quá trình sáng tác của mình, Ichiyo đã cho ra đời khoảng 20 truyện ngắn, 4.000 bài thơ và vài tiểu luận cùng một bộ nhật ký nổi tiếng. Những câu chuyện của cô tập trung vào cảnh ngộ của phụ nữ và người nghèo, được kể theo phong cách chịu ảnh hưởng của cả thơ ca cổ điển và xã hội hiện đại hóa nhanh chóng mà cô đang sống. Một số tác phẩm tiêu của Ichiyo: Ngày cuối năm (Otsugomori - 1894), Khe nước đục (Nigorie - 1895), Đêm mười ba (Jusanya -1895), Những ngả đường cách biệt (Wakaremichi - 1896), Một mùa thơ dại (Takekurabe - 1896).
Tiểu thuyết "Một mùa thơ dại" (Takekurabe - 1896) - kiệt tác của trò chơi làm người
Mặc dù bà qua đời khi mới 24 tuổi nhưng các tác phẩm của Higuchi đã giúp bà được công nhận là nhà văn nữ đầu tiên của kỷ nguyên hiện đại, gương mặt của bà xuất hiện trên tờ 5000 yên của Nhật Bản đến tận bây giờ.
4. Tomoe Gozen – Nữ samurai đầu tiên của Nhật Bản
Trong xã hội Nhật Bản thời xưa, mặc dù Samurai đa phần đều là đàn ông, nhưng vẫn có những người phụ nữ vứt bỏ chuẩn mực xã hội, đứng lên trở thành những nữ chiến binh tài giỏi và tàn bạo. Tomoe Gozen – nữ samurai đầu tiên và duy nhất của Nhật Bản, không những xinh đẹp, quyến rũ mà còn nổi tiếng bạo tàn và không sợ hãi bất cứ điều gì. Bà là một cung thủ xuất sắc và là một tay kiếm cừ khôi đầy sức mạnh "sẵn sàng đương đầu với quỷ thần".
Điều thú vị là Tomoe chỉ được nhắc đến trong Huyền thoại Heike, bộ sử sách vào thế kỷ XII. Ngoài tác phẩm này, không còn tài liệu nào khác viết về cuộc đời của bà. Theo tác phẩm, Tomoe được miêu tả là một kỵ sĩ can đảm, ngay cả những con ngựa hung hãn nhất cũng không thể khiến bà sợ hãi. Với các kỹ năng của một chiến binh quả cảm, bà là chiến binh có giá trị bằng cả ngàn binh sĩ cộng lại. Tomoe Gozen còn thuần thục các kỹ năng đấu kiếm và bắn cung, là một chiến binh tài võ song toàn. Trong khoảng 2 năm khi bắt đầu vào con đường võ sĩ đạo, bà đã lãnh đạo đội quân hơn 1000 người.
Ngày nay trong Jidai Matsuri (Lễ hội Thời đại), một trong 3 lễ hội lớn nhất Kyoto được tổ chức hàng năm, là nơi thường xuyên có sự xuất hiện của Tomoe. Điểm nhấn của lễ hội là cuộc diễu hành Jidai gyoretsu kéo dài 5 tiếng đồng hồ trên con đường dài 2km, với sự góp mặt của gần 2000 người. Một trong những gương mặt quan trọng của thời chiến Genpei, Tomoe Gozen sẽ được hóa trang y như lúc sắp lâm trận và được diễu hành trên lưng ngựa.
5. Yoshiko Shinohara – Nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Nhật Bản
Yoshiko Shinohara sinh năm 1934, trong giai đoạn xảy ra Thế chiến II. Cha bà – một hiệu trưởng – mất khi bà mới lên 8 và mẹ bà làm nghề hộ sinh và một thân một mình nuôi dưỡng con gái trưởng thành. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Yoshiko Shinohara lập gia đình ở độ tuổi 20 nhưng cũng nhanh chóng ly hôn. Thay vì ở lại quê nhà, bà đến sinh sống và làm công việc thư ký ở Anh, rồi đến nước Úc.
Sau đó, Yoshiko Shinohara trở về Nhật Bản. Năm 1973, bà mở một công ty nhỏ “Shinohara” chuyên cung ứng lao động bán thời gian, có địa chỉ tại căn hộ một phòng ngủ chật hẹp của mình. Ban đầu, công ty phát triển khá chậm, Yoshiko Shinohara đã phải dạy thêm tiếng Anh vào ban đêm để trang trải chi phí. Sau 5 năm, công ty của bà đã có văn phòng làm việc đầu tiên. Lúc đầu, Shinohara chỉ tuyển dụng phụ nữ, nhưng sau đó doanh thu bắt đầu tăng trưởng chậm lại. Vì phụ nữ thời đó có xu hướng ‘cố thủ’, bảo vệ sự tăng trưởng hiện tại hơn là phát triển lên những tầng cao mới. Do đó, vào những năm 1980, Shinohara tuyển thêm nhân viên nam để cân bằng công ty và thế là doanh thu đã bắt đầu tăng lên.
Yoshiko không tái hôn và không sinh con. Năm 2014, bà dùng 5% cổ phần tại Công ty để thành lập quỹ Yoshiko Shinohara Memorial Foundation, chuyên cung cấp học bổng cho những học sinh mong muốn trở thành y tá, người chăm sóc trẻ và nhân viên xã hội.
6. Tsuneko Sasamoto – Nữ phóng viên ảnh đầu tiên của Nhật Bản
Tsuneko Sasamoto sinh tại Tokyo đúng lúc Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ. Lúc đầu Sasamoto muốn trở thành họa sỹ nhưng không được gia đình ủng hộ. Sau đó, bà cùng một người bạn đã xem một bộ phim đen trắng nên niềm yêu thích của bà với nhiếp ảnh đã nhen nhóm.
Bà trở thành nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp từ năm 25 tuổi và gây ấn tượng với những bức ảnh chụp về cuộc sống của người dân Nhật Bản trước, trong và sau chiến tranh. Với thói quen uống rượu vang đỏ và ăn sô cô la trước khi đi ngủ đã giúp bà duy trì được cuộc sống khỏe mạnh và lạc quan.
Saamoto từng gửi đi thông điệp “Đừng bao giờ trở nên lười biếng. Điều cần thiết là phải luôn lạc quan về cuộc sống và không bao giờ bỏ cuộc”. Bà mất trước ngày sinh nhật lần thứ 108 chỉ hơn 2 tuần.
7. Hanae Mori – Nhà thiết kế thời trang nữ đầu tiên và duy nhất của Nhật Bản hay “bà hoàng họa tiết cánh bướm”
Bà Mori sinh ra ở tỉnh Shimane miền Tây Nhật Bản vào năm 1926. Sự nghiệp lâu dài của bà khởi đầu với việc mở cửa một xưởng thiết kế ở khu Shinjuku, Tokyo vào năm 1951. Mori nổi tiếng với hoạ tiết cánh bướm đặc trưng nên được mệnh danh là “bà hoàng họa tiết cánh bướm”.
Hanae Mori đã có nhiều thành tích nổi bật xuyên suốt sự nghiệp của mình như: nhà thiết kế thời trang nữ đầu tiên và duy nhất của Nhật Bản trưng bày bộ sưu tập của mình tại New York mang tên “Đông Tây hội ngộ” (East meets West); người Nhật đầu tiên được nêu danh ở Paris với tư cách là nhà thiết kế chính thức của dòng thời trang may đo cao cấp (haute couture); có kinh nghiệm thiết kế trang phục cho các vở opera và biểu diễn múa ba-lê tại Nhà hát La Scala ở Milan và Nhà hát Opera Paris; phụ nữ châu Á duy nhất được Liên đoàn thời trang Pháp công nhận là thời trang cao cấp.
Các tác phẩm của bà Mori mang sự kết hợp màu sắc và thiết kế truyền thống của Nhật Bản, đã gây ảnh hưởng lớn đến phong cách thời trang phụ nữ ở Nhật Bản. Bà được trao Huân chương Văn hoá Nhật Bản vào năm 1996; huân chương Bắc Đẩu Bội tinh - huân chương cao quý nhất của Pháp vào năm 1989 và năm 2002. Bà Mori Hanae đã qua đời ở tuổi 96 vì tuổi già.
8. Sadako Ogata – Phụ nữ đầu tiên đứng đầu Cao Ủy tị nạn Liên Hợp Quốc
Xuất thân trong một gia đình là chính trị, cha là đại sứ Nhật tại Phần Lan, mẹ là con gái của ngoại trưởng Kenkichi Yoshizawa. Là một người luôn đấu tranh vì quyền sống con người, Ogata Sadako là thành viên của hội Tị nạn Liên Hợp quốc từ năm 1991-2000, nơi bà trực tiếp giám sát , hỗ trợ cứu hộ, tái định cư cho những người tị nạn trong thời kỳ khủng hoảng này tại miền bắc Iraq, Bosnia, Herzegovina và Kosovo.
Trong suốt sự nghiệp của mình, bà đã nhận được vô số lời khen của mọi người và nhiều nhà lãnh đạo. Từng nhận giải thưởng Indira Gandhi năm 2001 và Giải thưởng Công dân Thế giới năm 2005, chỉ dành cho những công dân có đóng góp lớn trong lĩnh vực môi trường, giáo dục và hoà bình. Ogata hiện là người Nhật duy nhất nhận được giải thưởng này. Bà Sadako Ogata qua đời ở tuổi 92 vào ngày 22/10/2019, được xác nhận bởi Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản mà bà Ogata làm lãnh đạo trong 9 năm trước khi nghỉ hưu vào năm 2012.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và bà Sadako Ogata (2019)
9. Banana Yoshimoto – Nữ tác giả tiên phong của văn học Nhật Bản hiện đại
Khi nhắc đến những nữ tác gia văn học đương đại Nhật, không ai không biết đến Banana Yoshimoto, vì nguồn cảm hứng trong mỗi tác phẩm của cô đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều người trong và ngoài nước.
3 tác phẩm nổi tiếng của Banana Yoshimoto được xuất bản tiếng việt bởi NXB Nhã Nam
Tên thật là Mahoko Yoshimoto, sinh năm 1964, là con gái của một triết gia nổi tiếng. Bút danh “Banana” được tạo lên từ tình yêu hoa chuối của cô, một loài hoa theo cô rất “dễ thương” và “lưỡng tính một cách có mục đích”. Sau khi tốt nghiệp khoa văn tại Đại học Nihon. Cô từng làm bồi bàn, và những ý tưởng văn chương được khơi nguồn từ đó.
Tác phẩm đầu tay có tên “Kitchen” (1988) được thế giới đón nhận nhiệt tình. Cuốn sách được tái bản nhiều lần và có hai phim điện ảnh được chuyển thể. Sau thành công của Kitchen mang đến cho cô những giải thưởng danh giá: Giải Kaien cho nhà văn mới năm 1987, giải Umitsubame First Novel Prize, Best Newcomer Artists Recommemded Preze của Bộ giáo dục và giải văn chương Izumi Kyoka cùng vào năm 1988.
Bi kịch, cái chết, nỗi đau là những chủ đề thường thấy trong sáng tác của Yoshimoto Banana. Nó ám ảnh người đọc bởi văn phong trông qua có vẻ giản dị nhưng đồng điệu thẳm sâu trong lòng độc giả. Đến nay, Banana Yoshimoto đã có một khối lượng tác phẩm đồ sộ gồm 42 tiểu thuyết, 7 tập truyện ngắn. Một số tác phẩm khác của cô: Kitchen, Tạm biệt Tsugumi, NP, Amrita…
Chính sự nhạy cảm và tình yêu thương đã khiến Yoshimoto Banana cho ra đời những tác phẩm với quan điểm mới mẻ và luôn được công chúng đón nhận nhiệt tình.
10. Marie Kondo – “Thánh nữ dọn dẹp” đến từ Nhật Bản
Marie Kondo sinh năm 1984, lên 5 tuổi cô đã biết sắp xếp búp bê của mình sao cho ngăn nắp, thay vì chơi xong rồi bày bừa như những đứa trẻ khác. Năm 19 tuổi, khi đang là sinh viên Đại học năm thứ 2 tại Tokyo, cô bắt đầu kinh doanh dịch vụ ”dọn dẹp nhà cửa” vào sáng sớm hoặc cuối tuần như một công việc làm thêm.
Ở tuổi 37, Marie Kondo trở thành chuyên gia dọn dẹp, tư vấn phương pháp biến nơi ở trở thành tổ ấm thực sự, tràn ngập bình yên và đầy cảm hứng. Cô đã đưa những công việc đơn giản như gấp chăn màn, dọn bàn học lên một tầm cao mới, rút ra những triết lý độc đáo từ những điều mà tưởng chừng ai cũng biết. Phương pháp dọn dẹp “Konmari” của cô đã được phổ biến trên toàn thế giới. Không chỉ ở Nhật, gương mặt của cô nổi bật trên các tạp chí trên thế giới, cũng như phủ sóng mạng Internet toàn cầu. Năm 2011, Marie Kondo đã xuất bản cuốn sách đầu tiên về dọn dẹp nhà cửa có tên “Phép thuật dọn dẹp thay đổi cuộc sống”, bán được 13 triệu bản trên toàn thế giới và được dịch ra 44 ngôn ngữ khác nhau. Cô được liệt kê vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới của tạp chí Time năm 2015.
Bài viết giới thiệu ngắn gọn về những người phụ nữ nổi tiếng ở Nhật Bản. Chắc chắn, với xứ sở văn minh này, sẽ vẫn còn nhiều cái tên được nói đến trong tương lai, về những đóng góp cũng như ảnh hưởng của họ đến thế giới.