Bài 8: Trở thành "người hay hỏi" trong 3 tháng đầu

/
06-12-2021
/
484 views

Song song với việc trở thành "người hay hỏi", hãy tạo cho bản thân thói quen suy nghĩ, cân nhắc và tự phán đoán trước khi đặt ra vấn đề.

Khi mới bước chân vào công ty, "lính mới" thường được bảo rằng "Có gì không hiểu thì cứ hỏi nha!". Thế nhưng khi hỏi đã bao giờ bạn nhận về những câu trả lời hờ hững "Có vậy thôi mà không hiểu, tự suy nghĩ đi!". Vậy, phải làm thế nào thì mới được đây?

Lời khuyên ở đây là trong 3 tháng đầu tiên, nếu có bất cứ điều gì không hiểu thì bạn nên tích cực hỏi. Chỉ khi bạn có thể gạt sự xấu hổ của mình sang một bên và hỏi bằng hết những điều mà mình không biết, từ đó quan sát phản ứng của mọi người bạn mới có thể dần dần vạch ra ranh giới giữa "những điều nên hỏi" và "những điều nên tự phán đoán". Nếu tiếp tục chần chự, do dự trong việc hỏi han, bạn sẽ không thể giải quyết được vấn đề, và bạn không bao giờ thu nạp được kiến thức hay học được bí quyết nào cả. 

Đến giai đoạn khi đã "vững" hơn, trước khi hỏi cấp trên hay những anh chị đi trước về những điều bản thân không biết, hãy cố gắng tự mình suy nghĩ rồi thử đưa ra giải pháp của riêng bạn. Năng lực tư duy và giải quyết vấn đề sẽ được nuôi dưỡng trong quá trình này. Tuy nhiên, sẽ có những thời điểm mà bạn nên bàn bạc và thảo luận với cấp trên, chứ không thể chỉ tự mình suy nghĩ hay phán đoán. Đó là thời điểm của những "cơ hội" và "khủng hoảng".

Giả sử bạn sẽ làm gì nếu được giao nhiệm vụ khai thác kinh doanh một sản phẩm/lĩnh vực mới hay trường hợp bạn vô tình làm cho khách hàng phật lòng? Năng lực tư duy là rất cần thiết, nhưng trong trường hợp khẩn cấp, đừng quên rằng bạn vẫn có thể tham khảo ý kiến và nhờ cậy những người có khả năng để ứng phó các tình huống kịp thời. Hãy đối chiếu và điều chỉnh những giả thuyết của bản thân với câu trả lời của những anh chị đi trước, bạn chắc chắn sẽ đúc kết được hướng giải quyết hoàn hảo cho vấn đề.

▶️ Tham khảo thêm các tips hay công sở từ cẩm nang “58++ bài học vỡ lòng để trở thành No.1” của tác giả Chikako Morimoto, biên dịch bởi anh Nguyễn Đình Phúc (CEO of HRnavi).