Là chốn an yên đưa con người thoát ra khỏi những ồn ào, náo nhiệt của thế tục, những ngôi chùa còn cất giữ những giá trị văn hóa cốt lõi, những nền tảng kiến trúc độc đáo từ thuở ngàn xưa. Do đó, ngoài lối kiến trúc thuần Việt, các ngôi chùa mang “hơi thở” Nhật Bản trong cấu trúc còn thể hiện mối liên kết bền vững giữa xứ sở phù tang và đất nước hình chữ S, và là địa điểm “check-in” được giới trẻ vô cùng yêu thích.
Ghé thăm những ngôi chùa mang dấu ấn Nhật Bản nổi tiếng tại Việt Nam
1. Chùa Lầu (An Giang)
- Địa điểm: khóm Xuân Phú, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, An Giang
- Thời gian hoạt động: cả ngày
Chùa Lầu hay còn gọi là chùa Phước Lâm tọa lạc tại tỉnh An Giang, có tuổi đời hơn 130 năm. Sở dĩ chùa được gọi là chùa Lầu bởi kiến trúc nhà sàn xếp chồng lên nhau trông rất độc đáo. Ngôi chùa đang là điểm đến của đông đảo du khách bởi không chỉ có khung cảnh thanh bình mà còn thu hút du khách bởi lối kiến trúc độc đáo ở mọi góc cạnh, chụp ảnh nhìn lung linh như đang ở xứ sở Phù Tang.
Phong cách thiết kế theo hơi hướng Nhật Bản, với tông màu màu gạch đỏ là chủ đạo, những thanh lan can xếp chồng lên nhau, mái ngói xanh cong vút. Không gian chùa rất rộng rãi, thoáng mát, xung quanh là một “công viên hoa” thu nhỏ với nhiều loại cỏ cây, hoa lá khoe sắc. Để tạo điểm xanh cho chùa, sư cô tại đây đã trồng nhiều loại cây đẹp như hoa giấy đủ màu sắc, mào gà, vạn thọ, hoa cúc, hoa sen…
Thêm đó là những chiếc xích đu gỗ làm chỗ nghỉ ngơi cho du khách thập phương. Đặc biệt, điểm nhấn cảnh quan phải nhắc đến đó là chiếc cầu treo bắc lơ lửng trên cao. Đứng trên cầu, du khách có thể nhìn ngắm những hàng cây thốt nốt, những cánh đồng xanh mướt cùng những cánh chim bay lượn.
Ngoài ra, đối với những du khách muốn chụp hình với trang phục Nhật Bản có thể chuẩn bị trước để có được bức ảnh sống ảo cực chất tại địa điểm “tiểu Nhật Bản” này.
2. Tu viện Khánh An (TP Hồ Chí Minh)
- Địa điểm: 1055/3D đường Võ Thị Thừa, QL1A, Quận 12, TP Hồ Chí Minh
- Giờ mở cửa: Buổi sáng 05:00 - 12:00 / Buổi chiều 13:30 - 20:30
Tu viện Khánh An mang tinh thần của nhánh Đại thừa trong Phật giáo nên những tòa nhà của nó mang đậm dấu ấn kiến trúc Nhật Bản. Lịch sử của tu viện bắt đầu từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, là căn cứ bí mật của các chiến sĩ cách mạng và đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử hào hùng.
Nơi đây có ba tông màu chính: nâu của gỗ, trắng của vôi và màu vàng của các hoa văn trang trí. Kiến trúc của tu viện gồm hai tòa nhà chính: một bên là chánh điện, một bên là nhà tăng và khách đường. Chánh điện được đặt tên là "Phật đường tỉnh thức", có kết cấu chính từ gỗ, là nơi tụng kinh, tọa thiền của chư tăng, phật tử. Với gam màu đỏ chủ đạo và phần chóp tháp cao vút màu vàng, nơi đây khiến nhiều người liên tưởng đến phong cách đền chùa Nhật Bản.
Bậc thang lên chánh điện được làm bằng đá, chạm trổ hoa văn hình hoa sen tinh tế. Mái ngói màu nâu trầm, xếp lớp kết hợp với nhiều đèn lồng trang trí. Xung quanh tu viện là khuôn viên với cây cối mát mẻ, trong đó có nhiều loại cây như thông, phượng vỹ, hoa giấy... khoe sắc bên những cột đèn lục giác lạ mắt. Quanh khuôn viên là những chiếc đèn làm bằng gỗ, dán giấy hình lục giác thường thấy trong các lễ hội hoặc ở lối đi cổng đền chùa của Nhật Bản.
Chính kiến trúc độc đáo cùng khung cảnh bình an, xanh mát là yếu tố khiến tu viện Khánh An trở thành trở thành địa điểm uy tín để chư tăng, phật tử đến tu tập, thiền tự hoặc du lịch văn hoá - lịch sử lẫn tâm linh.
3. Chùa Minh Thành (Gia Lai)
- Địa điểm: 348 Nguyễn Viết Xuân, phường Hội Phú, Thành phố Pleiku, Gia Lai
- Thời gian mở cửa: 07:00 - 17:00
Tọa lạc trên một ngọn đồi thoải trong lòng phố núi Pleiku sương mờ ảo, Chùa Minh Thành là một điểm tham quan hấp dẫn không thể bỏ qua đối với du khách và là một niềm tự hào của người dân phố núi Pleiku.
Chùa được xây dựng theo kiến trúc Nhật Bản, nằm cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 2km, xây dựng từ năm 1964 bởi Hòa thượng Thích Giác Đạo.
Chùa Minh Thành có tổng diện tích hơn 20.000 m2, toàn bộ các chi tiết được chạm khắc trong chùa đều theo nền tảng của triết học Phật giáo, mang đậm phong cách kiến trúc Nhật Bản với những chi tiết chạm trổ tinh xảo, khuôn viên xanh mát tuyệt đẹp thấp thoáng dưới hàng liễu xanh.
Theo bước chân thành tâm lễ Phật, bước vào chùa, nổi bật nhất là ngôi chính điện thờ Phật cao trên 16m được làm bằng gỗ Pơmu nổi tiếng chắc chắn của đại ngàn Tây Nguyên. Kế đó có thể kể đến kiến trúc của hai ngọn tháp là tháp Chuông và tháp Tổ khai sơn phía trước chính điện tạo nên sự cân xứng, hài hòa.
Điểm nhấn của Chùa Minh Thành chính là tháp xá Lợi là ngôi bảo tháp độc đáo nhất Việt Nam cao tới 9 tầng, được thiết kế vô cùng ấn tượng mang sắc màu sa chu, là màu tôn kính dùng trong nhà phật. Nơi đây còn lưu giữ 10.000 bộ kinh phật quý giá.
Bên cạnh các công trình kiến trúc đặc biệt, điểm du lịch tâm linh chùa Minh Thành được bao bọc bởi không gian xanh, giữ nguyên vẹn nét thanh tịnh của chốn cửa phật tôn nghiêm.
4. Chùa Sắc Tứ Khải Đoan (Đắk Lắk)
- Địa điểm: 117 đường Phan Bội Châu, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk
- Thời gian hoạt động: 8:00 - 18:00
Chùa Sắc Tứ Khải Đoan thường được người dân gọi bằng nhiều cái tên khác nhau như chùa Lớn, chùa Tỉnh Hội… Lí do cho tên gọi độc đáo này là vì theo tương truyền, tên của vua Khải Định và hoàng thái hậu Đoan Huy, vợ của nhà vua Khải Định kết hợp lại và tạo thành tên chùa Sắc Tứ Khải Đoan. Chùa được thành lập vào năm 1951, trong suốt nhiều năm qua chùa liên tục được trùng tu, xây dựng thêm và trở thành một trong những trung tâm Phật giáo lớn nhất tại miền Trung, với tổng diện tích lên đến gần 7 mẫu đất.
Chùa Khải Đoan mang đậm lối kiến trúc cung đình Huế, kết hợp với kiểu dáng thiết kế nhà sàn của Tây Nguyên và nhà dài của người Ê Đê. Các gian chùa uy nghi, đồ sộ được xây nối tiếp nhau. Chùa được xây dựng không qua cao, các gian chùa rộng lớn tạo lên thế vững trãi giữa đất trời.
Chất liệu chủ yếu để xây dựng chùa là gỗ cùng với tông màu nâu trầm của gỗ khiến cho ngôi chùa càng thêm phần trầm mặc, cổ kính hơn. Từng đường nét điêu khắc trên cột chùa, các bức tường vô cùng tinh xảo và kỳ công.
Chính điện là công trình lớn nhất và là điểm nhấn kiến trúc của chùa Khải Đoan, có diện tích xây dựng 320m2. Công trình có hai tầng, tầng dưới được xây bằng vật liệu gạch, đá – là nơi học tập, sinh hoạt của sư tăng; tầng trên bằng gỗ là nơi thờ.
Không chỉ là một chốn tâm linh để du khách tìm về tịnh tâm, chùa sắc tứ Khải Đoan còn là điểm đến hấp dẫn đối với các bạn trẻ trong thời gian gần đây. Sở hữu lối kiến trúc độc đáo, quy mô hoành tráng với cảnh sắc hữu tình, ngôi chùa không thiếu những góc “sống ảo” hết sức lung linh dành cho du khách ghé thăm.
5. Chùa Cầu Nhật Bản (Quảng Nam)
- Địa điểm: khu phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam
- Thời gian hoạt động: Buổi sáng: 9h00 - 11h00 / Buổi chiều: 15h00 - 22h00
Đối với người dân phố Hội, Chùa Cầu Nhật Bản là linh hồn, là biểu tượng đã tồn tại hơn 4 thế kỷ qua. Đây là công trình kiến trúc duy nhất được xem là có gốc tích của Nhật Bản còn lại ở phố cổ Hội An.
Chùa Cầu còn có tên là Lai Kiều VIễn, hay Cầu Nhật Bản, nhưng thường được gọi là Chùa Cầu, tức là cây cầu theo kiểu ngôi chùa. Ngôi chùa có kiến trúc đặc biệt nằm trên cây cầu vắt cong qua một lạch nước nhỏ chảy ra dòng sông Hoài (một nhánh sông Thu Bồn). Theo truyền thuyết, ngôi chùa hệt như thanh kiếm đâm xuống lưng con quái vật Namazu, khiến nó không quẫy đuôi, gây ra những trận động đất.
Gọi là chùa nhưng thực tế ở đây không thờ Phật mà thờ thần hộ mệnh Bắc Đế Trấn Vũ – một vị thần lớn của Đạo giáo, được người dân tôn thờ vì đã bảo vệ họ khỏi tai ương, lũ lụt, bảo hộ xứ sở. Họ đặt niềm tin của mình vào vị thần hộ mệnh, cầu nguyện để có một cuộc sống may mắn, an toàn và thịnh vượng hơn.
Ngoài ra, hai đầu cầu có thờ cúng trang trọng cặp linh hầu và thiên cẩu, đôi linh vật canh giữ, trấn yểm Chùa Cầu. Ngày nay, vào các ngày rằm, hay lễ, Tết, người dân Hội An thường đến trước tượng thần Bắc Đế Trấn Vũ để dâng lễ, cầu xin được che chở, phù hộ.
Chùa Cầu có tổng chiều dài khoảng 18m, rộng 3m, bắc qua nhánh sông. Cây cầu được xây hoàn toàn từ gỗ, với những chi tiết trạm trổ tinh xảo. Dù đã trải qua ít nhất 6 lần trùng tu song Chùa vẫn giữ được nét cổ kính. Đặc biệt, hình ảnh ngôi chùa cổ này được in trên tờ tiền 20.000 đồng, chứng tỏ vị thế to lớn của ngôi chùa.
6. Chùa Linh Quy Pháp Ấn (Lâm Đồng)
- Địa điểm: đồi 45, thôn 4, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng
- Thời gian hoạt động: cả ngày
Chùa Linh Quy Pháp Ấn nằm cách trung tâm thành phố Bảo Lộc khoảng 23 km về phía nam, được ví như chốn bồng lai tiên cảnh thanh tịnh. Vì Chùa được xây dựng trên một đỉnh núi hình con rùa được gọi là núi Linh Quy nên thiên nhiên khí hậu hài hòa, cây cối xanh tốt.
Lối kiến trúc độc đáo mang đậm chất thiền của phong cách Nhật Bản, bao gồm các không gian chính là chánh điện, giảng đường của am pháp ấn, Quán Chiếu Đường, thư viện Am Pháp Ấn được bố trí vô cùng tinh tế. Trong đó chánh điện được thiết kế theo phong cách cổ xưa, không sơn son thếp vàng và không có bất kì nét chạm trổ nào. Thay vào đó chỉ kết hợp cùng một số đồ vật đơn giản như lọ hoa thờ, mõ, chiêng đồng và mành thưa.
Tại khu vực khuôn viên gần trung tâm của chùa đặt một bức tượng gương mặt Quan Thế Âm Bồ Tát màu trắng tinh khôi. Tất cả không gian, kết cấu bên trong chùa đều được làm hoàn toàn từ gỗ và có kết cấu hình giá chiêng vững chãi, cùng với đó là hệ thống cột trụ đều tăm tắp tạo cảm giác mộc mạc nhưng không kém phần cổ kính, uy nghiêm.
Cổng trời, còn được gọi là cổng Thần Đạo, là điểm nhấn nổi bật nhất trong tổng thể kiến trúc của chùa Linh Quy Pháp Ấn. Tuy nhiên, không giống với cổng trời Torii tại lối vào đền thờ của Nhật Bản, tại cánh cổng Thần Đạo, du khách chỉ có thể nhìn ngắm quang cảnh mà không thể nào bước qua. Đây là khu vực thu hút nhiều khách tham quan nhất tại chùa và là địa điểm đã xuất hiện trong MV Lạc Trôi của Sơn Tùng MTP.
Với lịch sử đặc biệt và kiến trúc độc đáo, tất cả tạo nên một thắng cảnh với nét đẹp rất riêng không thể bỏ qua đối với Phật tử và du khách ghé thăm những ngôi chùa mang hơi hướng Nhật Bản này.