Tổng hợp các kênh Thương mại Điện tử nổi tiếng nhất Nhật Bản

/
05-08-2022
/
2,086 views

Ngày nay, nhu cầu mua sắm trực tuyến đang là xu hướng của thế giới, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, thị phần của các công ty thương mại điện tử (EC) ngày càng được mở rộng. Là tín đồ đam mê shopping online và tin dùng hàng Nhật, bạn có biết đến những cái tên lớn nào đang "chiếm lĩnh" thị trường Nhật Bản?


Ở Nhật Bản, thị trường B2C (doanh nghiệp bán cho cá nhân)-EC được mở rộng ổn định từ năm 2010 đến nay, tăng từ 2,84% lên 6,76% với quy mô thị trường lên tới 19.361 tỷ Yên. Bên cạnh đó, thị trường C2C (cá nhân bán cho cá nhân)-EC cũng bắt đầu phát triển khi nhu cầu mua bán cá nhân tăng, quy mô thị trường là 1.740 tỷ Yên (năm 2019), tăng 9,5% so với năm 2018. Tuy đây vẫn là con số nhỏ nhưng thị trường này vẫn còn nhiều tiềm năng để tăng trưởng, các trang web EC nổi tiếng ở Nhật Bản có thể kể đến như:

  • Rakuten Ichiba
  • Amazon Nhật Bản
  • Yahoo!
  • Mercari
  • Zozotown
  • Wowma!
  • EC-Cube
  • Makeshop
  • Uniqlo
  • Dell


1. Rakuten Ichiba

Rakuten Ichiba là công ty tiên phong trong ngành thương mại điện tử ở Nhật Bản được thành lập từ năm 1997 với tổng tiền phân phối năm 2019 gần 4 nghìn tỷ yên, đứng đầu Nhật Bản. Nền tảng này cho phép các nhà bán lẻ bán trực tiếp cho người tiêu dùng nhiều sản phẩm khác nhau.

Công ty thu hút toàn bộ người dùng bằng các dịch vụ kết hợp như Rakuten Card, Rakuten Travel, Rakuten Mobile. Đến Năm 2014, Rakuten thành lập thêm thương hiệu Rakuma, một chợ điện tử chủ yếu hoạt động thương mại di động. 

2. Amazon Nhật Bản

Amazon chiếm thị phần trên toàn thế giới và đạt lượng tiền phân phối ấn tượng đứng thứ 2 tại Nhật Bản với con số ước tính gần 3,5 nghìn tỷ Yên. Không giống như Rakuten Ichiba, Amazon xây dựng hình thức mua bán trên EC theo mô hình chợ. Mỗi công ty, thương hiệu chỉ được bán hàng trong 1 thời gian nhất định tùy thuộc vào ngân sách mà họ đóng.


3. Yahoo!

Yahoo! là ông lớn thứ 3 trong ngành EC tại Nhật Bản. Công ty phát triển 2 web EC là Yahoo mua sắm mà Yahoo đấu giá với tổng phân phối khoảng 1,7 nghìn tỷ Yên. Để đuổi kịp Rakuten và Amazon, Yahoo! Nhật Bản không ngần ngại mua lại ZOZO, nhà điều hành của EC đối thủ.


4. Mercari

Khác với các sàn điện tử truyền thống, Mercari cho phép các cá nhân có thể tham gia bán nhanh trên nền tảng này. Đây là thị trường ngách với khối lượng khách hàng khổng lồ giúp Mercari đạt tổng phân phối lên tới 540 tỷ Yên, đứng thứ 4 Nhật Bản. Đây là địa điểm lý tưởng dành cho phụ nữ và nhóm khách hàng trẻ tuổi muốn thanh lý các sản phẩm cũ.


5. Zozotown

Vị trí số 5 là Zozotown là một trung tâm thương mại EC chuyên về hàng may mặc. Mặc dù khối lượng phân phối chỉ 340 tỷ Yên nhưng xét về riêng mục thời trang thì luôn dẫn đầu lượt tìm kiếm. Một điểm khiến Zozotown được ưu tiên vì họ giải quyết được các vấn đề cho khách hàng như đo lường, hình ảnh thật,...Tuy nhiên, hiện Zozo đã trở thành công ty con của Yahoo! Nhật Bản.


6. Wowma!

Wowma! là trang web EC tập trung về thời trang, đồ gia dụng, mỹ phẩm và thực phẩm dành cho người sành ăn. Từ tháng 5 năm 2020, Wowma! chính thức đổi tên thành Au PAY và đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng các kênh phân phối lớn nhất Nhật Bản với tổng lượng tiền lên đến 128,7 tỷ Yên.


7. EC-Cube

Mặc dù đứng thứ 7 về tổng phân phối với khối lượng 210 tỷ Yên nhưng EC-Cube lại có nhiều thành tích nhất trên các trang EC. Ở đây cung cấp cho bạn dịch vụ tạo trang web EC đa chức năng nhất Nhật Bản. Tuy đòi hỏi kỹ năng và kiến thức nhưng sẽ an toàn cho những người mới bắt đầu mở trung tâm mua sắm EC.


8. Makeshop

Với ưu điểm sở hữu nhiều chức năng phong phú và tối ưu chi phí cho người dùng, Makeshop đã thu về được tổng phân phối trong năm 2019 là 170 tỷ Yên. Tương tự như EC-Cube hỗ trợ người dùng tạo trang web EC riêng cho mình, Makeshop tập trung chủ yếu vào khách hàng muốn kinh doanh trực tuyến nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm chuyên môn.


9. Uniqlo

Uniqlo là công ty thời trang nhanh sở hữu chuỗi cửa hàng trên khắp thế giới. Uniqlo còn được biết đến như một ví dụ thành công của đa kênh ở Nhật Bản khi kết hợp cửa hàng thực và kênh trực tuyến diễn ra thuận lợi. Riêng kênh EC của Uniqlo đã phân phối 83,2 tỷ Yên trong năm 2019.


10. Dell

Trang web EC của Dell không chỉ bán hàng trực tuyến mà còn cập nhất thông tin toàn diện về các sản phẩm PC và các tin tức mới nhất liên quan trong ngành điện tử, máy tính. Năm 2019, Dell phân phối tổng nguồn hàng lên tới 63 tỷ Yên thông qua kênh bán hàng trực tuyến.


11. Buyee

Mặc dù không phải nền tảng lớn nhưng Buyee lại được một bộ phận người dùng yêu thích khi liên kết với các web EC khác như Amazon, Yahoo, Rakuten,.. Điều này giúp cho khách hàng có nhiều lựa chọn và dễ dàng so sánh các sản phẩm hơn. Đặc biệt, Buyee còn hỗ trợ người mua hàng ở các quốc gia khác và vận chuyển về tận nơi, trong đó có Việt Nam.