Bài 46: Khi có nghi vấn về cách làm việc của công ty hay của cấp trên?

/
29-07-2022
/
1,060 views

Hãy thử tiếp nhận những điều được tổ chức hoặc cấp trên giao cho, rất có thể bạn sẽ nhận được kết quả bất ngờ.


Đừng vội phản ứng, hãy tạm thời chấp nhận.

Không chỉ riêng những người mới, ai cũng ít nhiều từng trăn trở khi cảm thấy không thể chấp nhận được phương pháp làm việc mà công ty và cấp trên đưa. Mặc dù bạn cho rằng cách làm đó sẽ không mang lại hiệu quả, nhưng với bổn phận là cấp dưới và tư cách là một người "làm công ăn lương, trên thực tế bạn vẫn phải tuân thủ chỉ thị của tổ chức và cấp trên.

Trong trường hợp này, bạn đừng vội phản bác, hãy tạm thời chấp chận và thử làm theo cách thức được yêu cầu. Nên nhớ rằng họ có kinh nghiệm hơn bạn rất nhiều lần và luôn cân nhắc để đưa ra quyết định dựa trên những gì mà họ đã tích lũy được theo thời gian. Do vậy, dù bạn cảm thấy cách làm này không hợp lý thì chắc chắn nó cũng có một ý nghĩa nào đó nhất định. Chẳng hạn dựa vào khung dự toán trong tương lai việc này sẽ mang lại lợi ích về lâu dài, nhưng hiện tại bạn chưa thể "tinh ý" nhìn nhận ngay được. 

Bộ máy hoạt động của công ty đôi khi có những yêu cầu rất nghiêm khắc như đề xuất tăng KPI, làm thêm ngoài giờ, các loại deadline... hay bổ sung những nhiệm vụ khác trong công việc hằng ngày của bạn mà tưởng chừng như bạn không thể thực thi và đạt được mục tiêu. Nếu nhìn nhận vấn đề một cách tích cực hơn thì đây có thể là phương thức "ngầm" thúc đẩy bạn phải vượt qua giới hạn và khả năng của bản thân, tìm kiếm phương pháp mới để xúc tiến vấn đề để dần dần giúp nâng cao hiệu suất làm việc.

Có nhiều chính sách thoạt nhìn có vẻ rất khắt khe nhưng nếu bạn thử cố gắng nỗ lực thực hiện, nó không chỉ mang lại lợi ích cho công ty mà còn là thành quả cho mỗi cá nhân hoạt động. Thay vì dành thời gian và tiêu tốn sức lực vào việc "than trời than đất", trước hết bạn hãy bình tĩnh tiếp nhận và tuân thủ thử xem sao.

Ban đầu, hãy cố gắng làm theo những gì bạn được giao phó. Cho đến khi bạn có bằng chứng và tin chắc rằng nhiệm vụ đó thật sự "vô nghĩa" hay "sai lầm", hãy đưa ra ý kiến phản biện hoặc đưa ra đề xuất của riêng bạn. Nếu bạn phản bác ngay từ đầu, bạn có thể sẽ đánh mất cơ hội được thử nghiệm và phát hiện những lợi ích mà chỉ thị của cấp trên hay tổ chức có thể mang lại.

▶️ Tham khảo thêm các tips hay công sở từ cẩm nang “58++ bài học vỡ lòng để trở thành No.1” của tác giả Chikako Morimoto, biên dịch bởi anh Nguyễn Đình Phúc (CEO of HRnavi).