Có thể về sớm nhưng phải đúng hẹn

/
05-01-2022
/
2,285 views

Người ta thường nói “nếu muốn sẽ tìm ra giải pháp không muốn sẽ tìm ra lý do”. Điều này hoàn toàn đúng cho người Việt lẫn người Nhật.

Người ta thường nói “nếu muốn sẽ tìm ra giải pháp không muốn sẽ tìm ra lý do”. Điều này hoàn toàn đúng cho người Việt lẫn người Nhật. Nhưng đâu đó tôi có cảm giác rằng người Nhật nghiêng theo hướng tìm giải pháp hơn là người Việt. Nói cách khác bởi vì có xu hướng tìm lý do hơn tìm giải pháp.

----------

Tôi nhớ lại câu chuyện lúc đó tôi đang là sinh viên năm thứ tư đang làm luận văn tốt nghiệp trong một phòng nghiên cứu tại trường đại học và tôi đang du học tại Nhật. Sẵn tiện giới thiệu thêm một chút cho các bạn hiểu rằng phòng nghiên cứu tại các trường đại học ở nước ngoài được vận hành tương tự như một doanh nghiệp nhỏ. Trong đó ông giáo sư đóng vai trò CEO, sinh viên hoặc thạc sĩ làm luận văn Tiến sĩ là những người nhân viên của ông giáo sư chuyên nghiên cứu viết bài khoa học đăng trên các tạp chí dưới sự dẫn dắt của ông giáo sư. Càng nhiều bài nghiên cứu có giá trị thì phòng nghiên cứu sẽ nhận được nhiều tài trợ từ trường đại học, doanh nghiệp và các quỹ nghiên cứu độc lập khác. Vì lẽ đó ông giáo sư luôn là người uy tín, nhiều quyền hành. Thế mà một lần kia phòng nghiên cứu mở tiệc chào đón sinh viên trao đổi từ Trung Quốc sang và tôi đã rất thoải mái từ chối tham gia vì lý do abc gì đấy không quan trọng đủ để tôi có thể nhớ chính xác là lý do gì. Hình như lúc đó cả phòng nghiên cứu lặng đi một quãng có vẻ như ngạc nhiên vì sao tôi từ chối tham gia...

Sau đó khi cả phòng nghiên cứu hết lao xao vụ tiệc tùng, mọi người quay lại công việc của mình thì một người đàn anh khóa trên đi đến chỗ tôi ngồi và hỏi chuyện.

- Anh khóa trên: Khi nãy nghe chú nói không tham gia được buổi tiệc tối nay à, có sắp xếp được không?

- Tôi: Dạ chắc hơi khó hôm nay thì lúc 18 giờ mà em có hẹn lúc 18:30 rồi.

- Anh khóa trên: Vậy à nếu vậy thì em có thể đến chung vui với mọi người lúc 18 giờ uống với mọi người một ly bia rồi xin phép về trước cũng được.

- Tôi: (mừng rỡ) Ồ vậy cũng được hả anh em tưởng là không được phép về sớm withhive vậy thì em sẽ nghe theo lời anh.

- Anh khóa trên: Tất nhiên là chơi đến cuối vẫn là tốt nhất nhưng nỗ lực góp vui một chút vẫn tốt hơn là vắng mặt hoàn toàn.

- Tôi: Dạ.

Bài học trực quan và dễ hiểu này đã theo suốt tôi từ đó đến giờ. Nếu muốn người ta sẽ tìm ra giải pháp và giải pháp không toàn vẹn vẫn tốt hơn là hoàn toàn không có giải pháp nào. Giải pháp đồng nghĩa với có tư duy và động não, không có giải pháp đồng nghĩa với việc không hề tư duy. 

Lại thêm một câu chuyện về sự thiếu tư duy của tôi. Lần đó phòng nghiên cứu chuẩn bị cuộc du lịch hằng năm, chẳng cần phải cân nhắc gì nhiều tôi quyết định gõ cửa phòng ông giáo sư thông báo rằng tôi vì bận nghiên cứu nên sẽ không tham gia. Nghe tôi trình bày xong ông giáo sư mới nói một câu nhẹ nhàng: "Cậu còn rất nhiều ngày để nghiên cứu, thêm hay bớt vài ngày thì có thật sự tạo nên sự khác biệt không hay chỉ là sự kém cỏi trong việc sắp xếp thời gian?".

Đúng là tôi đã không cân nhắc hay sắp xếp gì, tôi chỉ lấy lý do bận nghiên cứu che đậy cho sự thực là tôi đã không hề suy nghĩ để tìm ra giải pháp. Tôi chỉ đơn giản là để nó chiếm hết toàn bộ quỹ thời gian của mình và vì vậy không làm thêm được gì khác. Ngẫm lại người Việt chúng ta đôi khi có tật gì cũng đồng ý mà không cân nhắc. Nhưng như vậy lại hay, ít nhất là hay hơn kiểu cân nhắc rồi từ chối như tôi ngày trước . Nhưng tốt nhất vẫn là cân nhắc để không phải từ chối điều gì các bạn nhé.