Thói quen ghi sổ

/
08-12-2021
/
2,141 views

Có lần tôi nghe hai người Nhật kháo nhau: người Việt chẳng bao giờ thấy mang theo bút viết bên người. Ái dà, tôi cũng chẳng bao giờ mang bút viết bên người đây nè. Nghe mà nhột cả hết cả người. Nhưng mà tui có mang theo smartphone mà :) .

Bạn có nhớ lần cuối cùng bạn mua sổ tay hay bút viết là lúc nào không? Tôi cá là hầu hết các bạn sẽ không nhớ... giống tôi. Người Việt chúng ta thường không có thói quen ghi chép. Còn người Nhật thì không cần phải nói. Luôn luôn có cuốn sổ bên mình, vào họp thì luôn luôn lúi húi ghi chép. Thói quen này được hình thành từ nhiều yếu tố.

Trước hết đó là sự đào tạo từ nhỏ khi mà thầy cô giáo và cả bố mẹ khuyến khích con trẻ viết tay và ghi chép tất cả mọi thứ. Đặc biệt cứ đến cuối năm thì lại có vô số sổ tay kèm lịch làm việc được phát hành. Đủ các kiểu từ kích cỡ, dày mỏng, có hay không có trang dư để viết lách, và đủ mọi loại nhu cầu có thể nghĩ ra. Thậm chí còn có loại có thể xé ra bỏ vào bồn cầu xả bỏ (loại giấy tan được trong nước) đem lại cảm giác tiêu diệt triệt những điều bực bội khó chịu ghi vào giấy . Và cứ đến mùa này, người Nhật lại xem lại hoài niệm những điều đã được viết ra trong năm cũ và hớn hở tìm mua cuốn sổ mới. Trẻ con năm nào cũng được ba mẹ dắt đi xem và chọn mua sổ tay, mãi trở thành thói quen dễ thương khó bỏ.

See the source image

Sau đó khi đi làm người Nhật được công ty, đàn anh đàn chị hướng dẫn luôn phải có sổ tay bên mình, luôn phải hì hục ghi lại dường như mọi thứ mà đối phương nói để tránh quên mất nội dung. Câu chuyện được nâng tầm theo một kiểu rất Nhật Bản đó là hì hục ghi chép sẽ giúp cho đối phương cảm thấy được tôn trọng, từng lời nói của họ là lời vàng ý ngọc cần được ghi vào sử sách. Chưa kể người Nhật có một thói quen rất hay trong công việc là soạn biên bản cuộc họp gửi lại cho tất cả mọi thành viên. Để đảm bảo biên bản được đầy đủ không thiếu nội dung thì việc ghi chép nội dung chính vào sổ tay cũng là điều cực kỳ quan trọng.

Một điều cũng cần được biết khi so sánh ở đây là người Nhật chủ yếu di chuyển bằng tàu điện thay vì xe máy như người Việt chúng ta. Khi di chuyển bằng xe máy mặc dù chúng ta có thể bỏ nhiều vật dụng cá nhân vào cốp xe nhưng rõ ràng là hạn chế và không tiện dụng vì vậy ta luôn có tư duy hạn chế mang theo nhiều đồ cá nhân bên mình. Và nếu có thì thường là một cái túi thời trang nho nhỏ cho phụ nữ, vốn chỉ để đồ dùng cá nhân và đồ trang điểm, không phù hợp để mang theo sổ tay và bút viết. Ngược lại người Nhật đi đâu cũng bằng phương tiện công cộng có máy lạnh chạy rì rì nên cả phụ nữ lẫn đàn ông đều mang bên mình một cái túi thậm chí là balo tương đối lớn để nhét vào đó đồ dùng cá nhân sổ tay bút viết và thậm chí là cả máy tính cá nhân. Chưa kể nam giới đi làm công sở thường mặc áo veston có nhiều túi nên việc dắt vào túi một cây viết là khá dễ biến nó thành một thói quen.

30 Tips on how to Use Japan's Metros

Nói đến cây viết, các bạn biết ai là người phát minh ra bút bi không? Rất tiếc không phải là người Nhật nhưng đất nước sáng tạo ra có nhiều loại bút bi nhất lại là Nhật Bản. Nào là bút bi 0,5 mili, 0,3 mili, mảnh, siêu mảnh, đến loại bút bi có thể tẩy xóa được, có thể chịu được nước (không lem khi giấy bị dính nước) v.v... vô cùng phong phú về chủng loại và màu sắc. Người Nhật đã nâng tầm dụng cụ văn phòng trở thành một hình thức thể hiện cá nhân. Mỗi người Nhật đều tìm hiểu và chọn cho mình một chủng loại dụng cụ văn phòng yêu thích nhất của mình. Vì vậy việc mang bên mình một cuốn sổ hay một cây viết không đơn thuần là một thói quen công việc mà nó gần như trở thành đồ vật yêu thích, có nó bên mình đã là 1 niềm vui nho nhỏ của từng cá nhân.

Japanese Stationery | Hakubundo Inc.

Thói quen mang theo sổ và bút viết bên mình này cũng thể hiện tính truyền thống của xã hội Nhật. Từ thời chưa có smartphone người Nhật đã tỉ mỉ ghi chép cẩn thận lịch làm việc của mình vào sổ tay, luôn cẩn trọng mở ra xem đi xem lại giúp người Nhật không bao giờ quên lịch hẹn, không bao giờ bị trùng lịch hẹn. Một thói quen đơn giản nhưng rất hiệu quả và cũng rất Nhật Bản.