Vì sao người Nhật thường có kế hoạch hơn người Việt?

/
17-11-2021
/
2,320 views

Qua hơn 20 năm tiếp xúc với người Nhật, tôi thấy rõ ràng mặt bằng chung là người Nhật vẫn có tính kế hoạch tốt hơn người Việt rất nhiều

Quốc gia hay dân tộc nào cũng vậy, cũng có người xấu người đẹp, người giỏi người dở. Người Viêt cũng có người rất có tính kế hoạch và người Nhật vẫn có người không hề có tính kế hoạch. Dẫu vậy, qua hơn 20 năm tiếp xúc với người Nhật, tôi thấy rõ ràng mặt bằng chung là người Nhật vẫn có tính kế hoạch tốt hơn người Việt rất nhiều.

Lấy 1 ví dụ thực tế nhé.

Người Việt chúng ta thường mời dự tiệc cưới trước ngày đám cưới khoảng 2 tuần, cẩn trọng hơn thì là 3 tuần và KHÔNG yêu cầu xác nhận có đi được hay không. Còn người Nhật thì sẽ là 2 đến 3 tháng trước lễ cưới và YÊU CẦU xác nhận có đi dự được hay không? Rõ ràng có 1 sự khác biệt lớn ở đây. Với người Nhật phải mời trước 2~3 tháng thì mới đảm bảo khách tham dự, còn người Việt ta thì 2~3 tuần vẫn không lo thiếu khách dự tiệc . Người Nhật lo rằng không có xác nhận tham dự thì lỡ có ai không đi giờ chót sẽ có bàn trống nhìn mất thẩm mỹ, còn người Việt ta thì đôi khi người dự đông hơn số được mời, cả làng đều vui.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là làm thế nào mà con người Nhật Bản có tính kế hoạch đến độ lên kế hoạch trước đến tận vài tháng? Họ được đào tạo trong gia đình, nhà trường và xã hội như thế nào?

Tôi nghĩ chính nền kinh tế phát triển cao độ đã đào tạo nên con người Nhật Bản có tính kế hoạch như ngày hôm nay. Khi mà tàu điện, xe buýt đều chạy rất đúng giờ thì bạn buộc phải đến cơ quan đúng giờ vì chẳng còn lý do kẹt xe, hư xe hay trời mưa để biện hộ cho bạn. Khi mà trước kỳ nghỉ hè 3 tháng mọi kênh quảng cáo đều quảng cáo các tour nghỉ hè hấp dẫn thì chắc chắn bạn sẽ háo hức lập kế hoạch du lịch cho gia đình từ rất sớm. Khi mà lịch biểu diễn văn nghệ của câu lạc bộ âm nhạc mà con bạn là thành viên được lên kế hoạch sớm, chắc chắn bạn sẽ lên kế hoạch lấy ngày phép để đi xem con bạn biểu diễn. Cứ như vậy guồng máy kinh tế xã hội khổng lồ luôn tự biết nhắc nhở  mọi người dân ghi nhớ, ý thức, lập kế hoạch cho nhiều sự kiện lặp đi lặp lại hàng năm. Cứ như vậy người nhật xây dựng được thói quen lập kế hoạch cho những sự kiện sắp xảy ra.

Sắp đến mùa ngắm hoa anh đào hanami rồi nhỉ, năm ngoái nhờ Suzuki giữ chỗ mà chúng ta tìm được chỗ tốt. Say túy lúy, hát hò vui quá là vui. Năm nay ai xung phong làm quản sự đây?

Năm ngoái dịp nghỉ hè chúng ta đã đi Haiwaii, năm nay hay là chuyển qua nước nào đó ở Đông Nam Á, Việt Nam nghe nói đồ ăn rất ngon đó.

Tiệc tiễn năm cũ dự định khi nào tổ chức? Phải đặt nhà hàng sớm kẻo lại lập cập, mà nhớ xác nhận lịch sếp tổng sớm, năm ngoái cận ngày quá làm sếp phải hủy hẹn để tham gia với anh em đó.

Bản thân tôi thì hay nghe nhiều người khẳng định như đinh đóng cột thế này: nếu đi chơi cả nhóm, khi quyết định đi thì đi luôn cho nóng sốt còn lên kế hoạch thì sẽ luôn luôn không đi được. Tôi đoán là với một nhóm đông người thì khi đến ngày hẹn sẽ có người chèn lịch này lịch nọ ưu tiên hơn lịch đã được lên từ trước và thản nhiên hủy hẹn . Sẽ đến lúc người Việt chúng ta lên hẹn trước và vẫn thực hiện được, tôi tin là lúc đó xã hội Việt Nam đã công nghiệp hóa và phát triển một bước dài so với bây giờ.