Đây là 5 lễ hội mùa hè đặc sắc ở Nhật Bản mà bạn nên trải nghiệm một lần trong đời.
Top 5 lễ hội mùa hè đặc sắc ở Nhật Bản
1. Lễ hội Tanabana – Lễ thất tịch – Lễ hội ngắm sao – Lễ hội Ngưu lang - Chức nữ
Ngọc Hoàng có một người con gái dệt lụa rất giỏi tên là Tanabata-tsume đem lòng thương mến anh chăn bò Hikoboshi. Vì thương con, Ngọc Hoàng đã gả con gái cho anh chàng chăn bò. Tuy nhiên, vì say mê trong men tình yêu nên sau khi cưới, Tanabata bỏ mặc không dệt vải, Hikoboshi để đàn bò đi lạc lên cung trời nên đã bị Ngọc Hoàng trách phạt bằng cách đưa hai người về hai bên bờ sông ngân hà và mỗi năm chỉ cho họ gặp nhau một lần vào ngày 7 tháng 7. Vào ngày này, đàn chim ô thước ở hai bên bờ sông sẽ lấy thân mình làm cầu cho 2 người gặp nhau.
Từ đó hàng năm ở Nhật tổ chức lễ hội để tôn vinh hai chòm sao Ngưu lang – Chức nữ cùng với câu chuyện tình của họ, đồng thời tưởng nhớ ông bà tổ tiên, những người đã qua đời vì thiên tai, hy vọng những nguyện ước thành hiện thực.
Lễ hội được bắt đầu từ tối ngày 6/7 và kết thúc vào ngày 7/7. (Ngày cụ thể xem tại Đây)
Trong ngày này, những cây trúc nhỏ được cắm ở mọi nơi trên khắp Nhật Bản. Mọi người sẽ viết các điều ước của mình lên các mảnh giấy ngũ sắc hình nhữ nhật (tanzaku) và sau đó treo chúng lên cành tre, kèm theo những đồ trang trí.
Đặc biệt, trong ngày này những người yêu nhau sẽ đến đền thờ Thần đạo Shinto để cầu nguyện bên nhau trọn đời, những ai cô đơn sẽ cầu nguyện mong tìm thấy ý trung nhân. Món ăn đặc biệt trong ngày lễ này là mì somen lạnh sợi nhỏ với quan niệm rằng những sợi mì somen này chính là những sợi tơ mà công chúa đã dệt trong những ngày chờ chồng.
2. Lễ hội Obon – Lễ Vu lan – Lễ hội của những con thuyền
500 năm trước, Mokuren - một đệ tử của Phật giáo với pháp lực cao cường đã xuống địa ngục tìm linh hồn người mẹ quá cố. Không muốn nhìn thấy mẹ chịu nhiều đau khổ nên theo lời Đức phật, ông đã chuẩn bị lễ vật để cúng cho các nhà tu hành ở dương gian vào đúng ngày 15/7. Sau đó, linh hồn của mẹ ông được siêu thoát và trở lại nhân gian gặp người thân. Mokuren đã nhảy múa khi gặp lại được linh hồn của mẹ. Đó cũng là nguồn gốc của lễ hội Obon sau này.
Từ đó hàng năm, người dân Nhật Bản lại tổ chức lễ hội Obon (lễ hội Bon) để thể hiện lòng biết ơn đối với cha mẹ và đối với linh hồn của những người đã mất. Lễ hội Obon được diễn ra và sẽ diễn ra liên tục trong 4 ngày tháng 7 ~ tháng 8 hàng năm ở khắp nơi ở Nhật Bản (Shimane, Hiroshima, Kawaga, Kochi, Kanagawa,...). (Ngày cụ thể xem tại Đây)
Trong ngày đầu tiên của lễ hội Obon (ngày 13), người ta đi thăm viếng nơi yên nghỉ của người thân, quét dọn vệ sinh, tu sửa xung quanh và thắp sáng các lồng đèn ở phía trước nhà, ở các con phố để dẫn đường cho linh hồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã quá vãng về đoàn tụ với con cháu.
Sự kiện lớn nhất của lễ hội Obon Nhật Bản diễn ra vào ngày thứ hai, thứ ba (ngày 14, 15), người dân sẽ dâng lửa để soi đường cho linh hồn của những người đã khuất trở về trời. 5 đám lửa lần lượt được đốt lên ở 5 ngọn núi xung quanh Kyoto trong khoảng 1 giờ đồng hồ. Đây cũng là thời điểm bắt đầu các sự kiện ngoài đường phố như hội chợ, ẩm thực, trò chơi dân gian, nhảy obon...
Vào ngày cuối cùng của lễ hội Obon (ngày 16), người ta đem lồng đèn đến thả ở các sông, hồ, các bờ biển, xem như là để tiễn đưa linh hồn của người quá cố về với thế giới của họ. Thường lễ hội sẽ kết thúc với màn bắn pháo hoa rực rỡ và đẹp mắt.
3. Lễ hội Awa Odori Matsuri – Lễ hội múa truyền thống lớn nhất ở Nhật Bản
Năm 1586, nhân dịp khánh thành lâu đài Tokushima, chúa đất Hachisuka Iamasa đã ban rượu cho người dân trong thành. Khi hơi men đã thấm, mọi người bắt đầu đứng dậy nhảy múa theo nhạc và điệu múa Awa đã ra đời từ đó. Có hai phong cách nhảy cho Awa Odori: Otoko-odori (vũ điệu nam tính) năng động, vui nhộn và Onna-odori (điệu nhảy nữ) đầy quyến rũ, thanh lịch.
Đến hẹn lại lên, cứ đến giữa tháng 8 hàng năm, người dân Nhật Bản lại rộn ràng chuẩn bị cho lễ hội Awa Odori Matsuri. (Ngày cụ thể xem tại Đây)
Đây là lễ hội múa truyền thống lớn nhất ở Nhật Bản, bắt nguồn từ Tokushima, về sau đã lan rộng ra cả những tỉnh thành khác.
Điểm đặc trưng của lễ hội này là trang phục của các vũ công được thiết kế rất cầu kỳ, đẹp mắt mang đậm đặc trưng Nhật Bản. Nam vũ công với yukata nửa người, đầu quấn khăn, chân đi tất trắng, tay cầm quạt hoặc một lồng đèn nhỏ. Còn nữ vũ công là yukata dài, đầu đội nón, chân đi guốc geta.
Ở ngoài khu vực sân khấu, các quầy trò chơi và đồ ăn sẽ được dựng lên để phục vụ khách đến xem. Mọi người thường đến từ rất sớm, nhảy theo điệu nhạc, thưởng thức ẩm thực địa phương hoặc quây quần trò chuyện cùng nhau.
4. Lễ hội pháo hoa Sumidagawa – Lễ hội pháo hoa lâu đời nhất Nhật Bản
Sumidaga được xem là lễ hội pháo hoa lâu đời nhất Nhật Bản. Năm 1732 nạn đói do châu chấu và dịch tả trên đảo Kyushu khiến rất nhiều người chết. Với ý nghĩa tưởng niệm và xoa dịu linh hồn những người đã chết, mong ước đẩy lùi dịch bệnh, chấn hưng tinh thần quần chúng và chào đón một cuộc sống mới bình an và hạnh phúc nên lễ hội pháo Sumidaga đã ra đời.
Lễ hội diễn ra tại bờ sông Sumida ở Tokyo vào tháng 7 hàng năm. Đây cũng là dịp để các công ty pháo hoa thể hiện các tác phẩm tốt nhất của họ đồng thời giới thiệu loại pháo hoa mới trong sự kiện này. (Ngày cụ thể xem chi tiết tại Đây)
Nhiều người đã đến đây từ rất sớm, mặc Yukata, tay cầm quạt và uống bia lạnh trong lúc thưởng thức những màn pháo hoa đẹp mắt chiếu sáng cả bầu trời Tokyo.
Đây là lễ hội được người dân mong chờ nhất trong năm nên khoảnh khắc pháo hoa lóe sáng trên bầu trời rồi tan vào không trung khiến người dân thích thú reo hò không ngớt.
Cho đến nay lễ hội pháo hoa Sumidaga Fierworks Matsuri này vẫn được duy trì và trở thành nét văn hóa đặc trưng của đất nước mặt trời mọc.
5. Lễ hội Tenjin – Lễ hội thuyền lớn nhất thế giới
Với lịch sử hơn 1.000 năm (từ năm 951) Tenjin Matsuri là một trong ba lễ hội lớn nhất của Nhật Bản (cùng với Gion Matsuri ở Kyoto và Kanda Matsuri ở Tokyo) và cũng là lễ hội thuyền lớn nhất thế giới. Lễ hội Tenjin được tổ chức vào tháng 7 hàng năm. (Ngày cụ thể xem chi tiết tại Đây)
Lễ hội là dịp để người dân Nhật Bản bày tỏ lòng tôn kính đối với Thần Sugawa Michizane - vị thần của sự thông thái và cầu mong bình an phồn thịnh cho cố đô Osaka.
Lễ hội bắt đầu với nghi lễ rước thần Michizane ra khỏi đền Tenmangu kiệu ông đi quanh thành phố, xuống thuyền diễu hành trên sông Okawa và cuối cùng là mang ông trở lại đền thờ. Hai địa điểm chính diễn ra lễ hội là đền Osaka Tenmangu và sông Okawa.
Từ ngày 24/7, nghi thức khai hội bắt đầu diễn ra ở đền Tenmangu và sông Okawa trong điệu múa rồng cùng tiếng trống khai hội với hàng ngàn người xếp hàng cầu nguyện cho hòa bình và cuộc sống sung túc của Osaka.
Ngày 25/7, đoàn rước xuất phát từ đền Tenmangu và tiến về sông Okawa với những tay trống đội mũ đỏ, những tay khênh kệu và rất đông những người mang lễ phục truyền thống (với yukata và guốc geta), cả nhân vật hóa trang thành vị thần Shinto mũi dài Sarutahiko cùng hòa vào dòng người diễu hành trên khắp đường phố Osaka trong tiếng nhạc, tiếng trống, điệu múa sư tử, múa dù, múa rồng... Cảnh tượng 3000 người cùng tham gia diễu hành cạnh những đền thờ di động đã tạo nên một không khí vô cùng vui tươi náo nhiệt và cũng là nét độc đáo của lễ hội mùa hè này.
Đến chiều tối, đoàn diễu hành tiến đến sông Okawa – nơi có 100 chiếc thuyền đợi sẵn để chuẩn bị lên thuyền diễu hành trên sông. Đó cũng là thời điểm bắt đầu nghi lễ chào đón thần linh được đông đảo mọi người chờ đợi – màn bắn pháo hoa liên tục suốt 3 giờ đồng hồ trên sông Okawa rực sáng cả một vùng trời, tô điểm thêm vẻ đẹp lung linh của thành phố Osaka về đêm. Sau đó thần linh sẽ được rước vào bờ và về lại đền Tenman. Lễ hội kết thúc trong bầu không khí vui tươi vì thần linh đã trải qua một chuyến tham quan thành phố trọn vẹn và hào hứng cùng với người dân của mình.